Chắc hẳn trong chúng ta và đặc biệt là với những bệnh nhân tiểu đường, insulin là một từ vô cùng quen thuộc. Nhưng không phải bất cứ ai cũng đang hiểu đúng về insulin và bệnh tiểu đường.
Nội dung bài viết
1. Insulin là gì?
Insulin là một hormone được sản xuất tại tuyến tụy. Hormone này kiểm soát lượng glucose (đường) trong máu luôn nằm trong phạm vi cho phép.
Sau khi ăn, glucose từ thực phẩm sẽ được hấp thụ vào máu qua lớp niêm mạc ruột non. Tiếp theo, insulin mang nó đi đến các tế bào của cơ thể và được sử dụng dưới dạng năng lượng. Khi glucose dư thừa trong máu, insulin báo hiệu cơ thể dự trữ chúng vào gan, mô mỡ và cơ bắp. Lượng đường dự trữ này sẽ không được tiêu thụ cho đến khi đường huyết của bạn giảm xuống.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chức năng của insulin bị ảnh hưởng hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để đáp ứng yêu cầu của cơ thể? Hậu quả của điều này là dẫn đến bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường.
2. Insulin và bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin hoặc độ nhạy với insulin của cơ thể giảm. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường đang tăng ở mức đáng báo động. Theo thống kê của WHO, tính đến năm 2016 thì cứ 20 người Việt Nam thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, số người bị tiền tiểu đường nhiều gấp 3 lần số người mắc bệnh tiểu đường.
Có 2 loại tiểu đường chính là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2:
- Tiểu đường type 1 xảy ra khi tuyến tụy sản xuất ít hoặc ngừng sản xuất insulin. Khi đó cơ thể bạn không có đủ insulin để kiểm soát hàm lượng đường trong máu. Khoảng 5-10% bệnh nhân tiểu đường mắc tiểu đường type 1.
- Khác với tiểu đường type 1, bệnh tiểu đường type 2 là tình trạng tuyến tụy vẫn sản xuất đủ lượng insulin cần thiết nhưng cơ thể bạn không sử dụng hiệu quả insulin hay còn gọi là kháng insulin. Đây là loại tiểu đường phổ biến nhất hiện nay. Tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90-95% số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Tìm hiểu thêm: Hiểu đúng về tiểu đường type 2: Tiểu đường type 2 là gì?
3. Insulin trong điều trị bệnh tiểu đường
Tiêm insulin để bổ sung hoặc thay thế insulin trong cơ thể có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường của bạn.
Tiểu đường type 1 có nguyên nhân chính là do di truyền và yếu tố môi trường. Cơ thể của những bệnh nhân này không thể sản xuất đủ insulin, vì vậy họ cần phải tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
Còn nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 2 là do chế độ dinh dưỡng không cân bằng và không luyện tập thể thao đều đặn khiến cho đường huyết cao. Sau thời gian dài tình trạng này dẫn tới dẫn tới kháng insulin. Nhiều người bệnh tiểu đường type 2 có thể kiểm soát lượng đường trong máu của họ bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc uống. Tuy nhiên, nếu phương pháp đó không hiệu quả họ có thể được yêu cầu tiêm insulin để điều trị bệnh tiểu đường.
4. Các loại insulin trong điều trị bệnh tiểu đường
Hiện nay có 5 loại insulin khác nhau dùng cho bệnh tiểu đường. Mặc dù kết quả chúng đều làm hạ đường huyết nhưng thời gian sử dụng và hiệu quả điều trị sẽ khác nhau:
- Insulin tác dụng nhanh: Loại insulin này bắt đầu hoạt động sau khoảng 10-20 phút sau khi tiêm. Tác dụng của nó có thể kéo dài từ 3-4 giờ. Do vậy thường được dùng ngay trước hoặc sau bữa ăn.
- Insulin tác dụng ngắn: Insulin tác dụng ngắn bắt đầu hoạt động chậm hơn so với insulin tác dụng nhanh. Từ 30-60 phút sau khi tiêm nó bắt đầu hoạt động và có tác dụng trong khoảng 5-8 giờ.
- Insulin tác dụng trung bình: Loại insulin này bắt đầu hoạt động sau 1-2 giờ sau khi tiêm và kéo dài từ 14-16 giờ. Do đó người bệnh cần tiêm bổ sung 1 hoặc 2 lần một ngày để kiểm soát đường huyết hiệu quả.
- Insulin tác dụng dài: Nó bắt đầu hoạt động sau khoảng 2 giờ kể từ khi tiêm và có tác dụng trong vòng 24 giờ hoặc lâu hơn.
- Dạng insulin hỗn hợp: Đây là loại insulin chứa cả insulin tác dụng nhanh và tác dụng dài trong cùng một mũi tiêm. Nó có đặc điểm là có tác dụng tức thời và kéo dài.
Tuy nhiên khi sử dụng bạn cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và chú ý liều lượng bởi insulin cũng mang lại các tác dụng phụ không mong muốn.
5. Các tác dụng phụ khi sử dụng insulin
Một số bệnh nhân sau khi sử dụng insulin có thể sẽ có những phản ứng sau đây:
- Đổ mồ hôi
- Mệt mỏi
- Mất ý thức
- Co giật
- Choáng váng
- Da nhợt nhạt
Để ngăn chặn điều này, bạn cần phải luôn mang theo carbohydrate tác dụng như:
- Nước ép trái cây
- Kẹo ngọt
- Nho khô
- Nước soda có đường