Kháng insulin là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 và nhiều biến chứng khác. Dưới đây là những thông tin hữu ích về kháng insulin và cách ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm này.
Nội dung bài viết
1. Kháng insulin là gì?
Insulin là một hormone được sản xuất tại tuyến tụy. Hormone này kiểm soát lượng glucose (đường) trong máu luôn nằm trong phạm vi cho phép.
Sau khi ăn, glucose từ thực phẩm sẽ được hấp thụ vào máu qua lớp niêm mạc ruột non. Tiếp theo, insulin mang nó đi đến các tế bào của cơ thể và được sử dụng dưới dạng năng lượng. Khi glucose trong máu trở nên dư thừa, insulin báo hiệu cơ thể dự trữ chúng vào gan, mô mỡ và cơ bắp. Lượng đường dự trữ này sẽ không được tiêu thụ cho đến khi đường huyết của bạn giảm xuống.
Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong gan, mỡ và cơ không còn phản ứng một cách hiệu quả với insulin và hạn chế sự hấp thụ insulin từ máu. Kết quả là tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào các tế bào của cơ thể. Điều này dẫn đến làm tăng insulin trong máu. Theo thời gian, tế bào trở nên kháng với insulin và lượng đường trong máu ngày càng cao hơn. Khi hàm lượng đường vượt quá giá trị cho phép có thể dẫn tới tiểu đường type 2.
Tìm hiểu thêm: Hiểu đúng về tiểu đường type 2: Tiểu đường type 2 là gì?
2. Nguyên nhân của kháng insulin
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kháng insulin. Trong đó, nguyên nhân chính được các chuyên gia nhận định là do tình trạng thừa cân, béo phì.
Nghiên cứu được thực hiện đã chứng minh rằng lượng acid béo tự do trong máu cao khiến các tế bào giảm đáp ứng với insulin. Sự tích tụ mỡ bụng và mỡ nội tạng có thể giải phóng nhiều acid béo tự do cũng như các hormone gây viêm làm tăng nguy cơ kháng insulin của cơ thể. Cùng với đó, tiêu thụ quá nhiều calo sẽ thúc đẩy quá trình này tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2 một cách nhanh chóng.
Những nguyên nhân tiềm ẩn khác của kháng insulin bao gồm:
- Không hoạt động thể chất: Thiếu hoạt động thể chất làm giảm độ nhạy insulin. Không chỉ vậy nó còn là nguy cơ của thừa cân, béo phì.
- Do gen di truyền quy định: Kháng insulin có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Do đó bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh kháng insulin cao hơn nếu người thân của bạn bị bệnh này.
- Thường xuyên tiêu thụ đường: Lượng đường huyết cao trong thời gian dài có thể gây tăng tình trạng kháng insulin của bạn.
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn cũng là một nguyên nhân làm giảm độ nhạy insulin.
3. Kháng insulin nguy hiểm như thế nào?
Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường do kháng insulin ở Việt Nam đang tăng ở mức đáng báo động. Theo thống kê của WHO, tính đến năm 2016 thì cứ 20 người Việt Nam thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, số người bị tiền tiểu đường nhiều gấp 3 lần số người mắc bệnh đái tháo đường.
Nếu không được điều trị kịp thời, kháng insulin có thể dẫn đến:
- Bệnh tiểu đường type 2
- Đau tim
- Đột quỵ
- Giảm thị lực
- Suy thận
- Ung thư
- Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Tìm hiểu thêm: Những nguyên nhân gây bệnh tim mạch bạn nên biết
4. Biện pháp phòng ngừa tình trạng kháng insulin
4.1. Tập thể dục thường xuyên
Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên có tác dụng hiệu quả trong việc làm giảm insulin. Không chỉ vậy, tập thể dục còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe như tăng sức đề kháng, ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì và nguy cơ đột quỵ.
4.2. Hạn chế tiêu thụ đường và carbs tinh chế
Carbohydrate (carbs) tinh chế là carbohydrate đã loại bỏ thành phần chất dinh dưỡng và chất xơ. Nó có nhiều trong bánh mì, bánh nướng và mì ống,… Carbs tinh chế cùng với đường là những thực phẩm làm tăng tiết insulin, gây tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh tim mạch.
4.3. Bổ sung chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng có khả năng làm hạ đường huyết, thúc đẩy tiêu hóa và ngăn ngừa ung thư. Các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, thực phẩm họ đậu đều là những nguồn cung cấp chất xơ hiệu quả và rất quen thuộc với mỗi gia đình Việt.