Mối quan hệ giữa độ nhạy insulin và tiểu đường

Độ nhạy insulin có ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe của chúng ta. Nó là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư.

1. Độ nhạy insulin quan trọng như thế nào?

Insulin là một hormone được sản xuất tại tuyến tụy. Hormone này mang glucose (đường) từ trong máu đi đến các tế bào của cơ thể và được sử dụng dưới dạng năng lượng. Khi hàm lượng đường huyết cao hơn phạm vi cho phép, insulin báo hiệu cơ thể dự trữ chúng vào gan, mô mỡ và cơ bắp. Lượng đường dự trữ này sẽ không được tiêu thụ cho đến khi đường huyết của bạn giảm xuống.

Độ nhạy insulin là một từ dùng để mô tả mức độ phản ứng của cơ thể trước tác dụng của insulin. Độ nhạy insulin cao cho phép các tế bào sử dụng glucose trong máu hiệu quả hơn. Nhờ vậy giúp hạ mức đường huyết. Còn độ nhạy insulin thấp hay còn gọi là kháng insulin. Nó làm giảm lượng glucose mà các tế bào có thể hấp thụ được và dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Trong cơ thể, độ nhạy insulin rất cần được chú ý bởi nó có tác động lớn đến sức khỏe của mỗi người. Độ nhạy insulin thấp khiến cơ thể phải sản xuất nhiều insulin hơn dẫn đến lượng insulin tuần hoàn trong máu tăng cao.Tăng insulin máu cao có thể gây tổn thương mạch máu, huyết áp cao, bệnh tim mạch, loãng xương và ung thư…

Ngược lại, độ nhạy quá cao cũng là vấn đề. Bởi nó làm tăng nguy cơ hạ đường huyết đột ngột. Hạ đường huyết đột ngột ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thần kinh và thị giác, trong một số trường hợp thậm chí dẫn đến hôn mê hay tử vong.

2. Độ nhạy insulin thấp và bệnh tiểu đường

Độ nhạy insulin thấp (kháng insulin) thường có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2. Đây là tình trạng các tế bào trong gan, mỡ và cơ không còn phản ứng một cách hiệu quả với insulin và hạn chế sự hấp thụ insulin từ máu. Kết quả là tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào các tế bào của cơ thể. Theo thời gian, tế bào trở nên kháng insulin và mức đường huyết ngày càng cao hơn. Khi hàm lượng đường vượt quá giá trị cho phép có thể dẫn tới tiểu đường type 2.

Kháng insulin cũng xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường type 1. Nguyên nhân phổ biến nhất của điều này được cho do là béo phì. Sự tích tụ mỡ bụng và mỡ nội tạng có thể giải phóng nhiều acid béo tự do cũng như các hormone gây viêm làm tăng nguy cơ kháng insulin của cơ thể.

Tìm hiểu thêm: Hiểu đúng về tiểu đường type 2: Tiểu đường type 2 là gì?

3. Làm thế nào để kiểm soát điều này

Độ nhạy insulin ảnh hưởng nhiều bởi thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của bạn. Dưới đây là một số cách kiểm soát độ nhạy insulin.

3.1. Thường xuyên tập thể dục

Một nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra rằng luyện tập thể chất có vai trò quan trọng nếu không muốn nói là thiết yếu trong điều trị và phòng ngừa chứng kháng insulin. Bạn nên tập thể dục thường xuyên với tối thiểu 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong 1 tuần để có một cơ thể khỏe mạnh. Các chuyên gia cho rằng một số bài tập nhất định mang lại hiệu quả vượt trội hơn so với những bài tập khác. Đó là các bài tập tăng sức bền và thể dục nhịp điệu.

3.2. Sinh hoạt điều độ và không sử dụng chất kích thích

Hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích có ảnh hưởng không nhỏ đến độ nhạy insulin. Đồng thời, các chất độc hại trong khói thuốc còn gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Cùng với đó bạn cần xây dựng thói quen sinh hoạt điều độ. Ngủ đủ giấc giúp cải thiện độ nhạy insulin của bạn và ngăn ngừa bệnh tim mạch.

3.3. Tiêu thụ thực phẩm thân thiện với sức khỏe

Nhìn chung, một chế độ dinh dưỡng cân bằng với ít chất béo, nhiều chất xơ từ hoa quả và rau xanh vô cùng có lợi cho sức khỏe của chúng ta, bao gồm cả việc cải thiện độ nhạy insulin. Những loại thực phẩm đó bao gồm:

  • Các loại rau xanh
  • Ngũ cốc như yến mạch, gạo lức,…
  • Thực phẩm họ đậu
  • Trái cây tươi hoặc sấy khô
  • Một số loại hạt như hạt óc chó, hạt chia,…
  • Thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ,…
  • Dầu thực vật không bão hòa như dầu oliu, dầu hướng dương,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *